Live@edu và lộ trình phần mềm hướng tới dịch vụ


Live@edu là một chương trình của Microsoft hỗ trợ các trường đại học sử dụng công nghệ Online Services song song với các ứng dụng doanh nghiệp khác. Mục tiêu chính của chương trình này là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Google vào các đối tượng doanh nghiệp.

Các tổ chức giáo dục hiện nay có thể cho phép sinh viên của mình sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Microsoft như e-mail và chia sẻ tài liệu online, giúp giảm thiểu các chi phí cho việc đầu tư một hệ thống CNTT hoàn chỉnh. Với chương trình Live@edu, chiến lược “Software as services” của Microsoft đã bộc lộ cả những ưu và khuyết điểm trong giai đoạn mới khởi động. Mặc dù vậy, rất nhiều tổ chức giáo dục đã tận dụng được các dịch vụ trực tuyến của Microsoft để đáp ứng hầu hết các nhu cầu hoạt động của mình. Đây cũng là cơ hội tốt cho các đối tác của Microsoft khi nhiều khách hàng đang từng bước chuyển sang áp dụng hình thức “Software as a Services” trong ngắn hạn và sẽ triển khai hệ thống hoàn chỉnh tương tự trên máy chủ khi nhu cầu của tổ chức được nâng cao.

Vậy Live@edu là gi?

Microsoft bắt đầu cung cấp dịch vụ dạng host services cho các trường đại học tại Mỹ và một số quốc gia khác từ tháng 3/2005 thông qua chương trình MSN University and College. Sau đó, Microsoft đã đổi tên chương trình này thành Live@edu và mở rộng ra khắp toàn cầu. Cho đến nay Microsoft Live@edu đã có khoảng 6 triệu sinh viên của hơn 400 trường đại học trên 30 quốc gia khác nhau đang sử dụng.

Chương trình này cung cấp cho sinh viên và giảng viên những dịch vụ Windows Live Services nhưng được tùy chỉnh cho đúng theo yêu cầu của từng trường. Điều này bao gồm việc kết nối tài khoản thư điện tử được host bởi Microsoft với tên miền riêng của mỗi trường. Microsoft không thu bất kỳ khoản phí nào từ các trường tham gia chương trình này nhưng thay vào đó họ thu tiền bằng cách cho xuất hiện các mẫu quảng cáo đến người dùng cuối. Hãng cũng hy vọng các sinh viên sẽ trở nên quen thuộc với Windows Live Services và trở thành những khách hàng trung thành sau khi họ đã tốt nghiệp.

Chương trình này thực tế đã thay đổi hình thức cài đặt phần mềm ngay tại máy chủ của từng đơn vị, cụ thể là 2 sản phẩm Exchange Server và SharePoint Server, mà các trường đáng lẽ ra phải cài đặt để cung cấp các dịch vụ tương tự cho sinh viên của mình. Thực ra thì Microsoft đã bắt buộc phải thực hiện công việc này song song với các sản phẩm phần mềm truyền thống hiện có vì nhu cầu rất thực tế đến từ khách hàng cũng như là những cạnh tranh rất khốc liệt từ Google. Tháng 2/2006, Google đã ký hợp đồng với khách hàng đầu tiên là trường cao đẳng San Jose City cung cấp dịch vụ tương tự cho Gmail rồi sau đó vào tháng 10/2006, trường Đại học Arizona State cũng đã cho phép 65,000 sinh viên sử dụng phiên bản Google Apps Education với các chức năng như Google-hosted e-mail, chia sẻ lịch làm việc và chat.

Các tổ chức giáo dục đặc biệt quan tâm đến các giải pháp dạng hosted Application như Live@edu hoặc Google Apps Education vì những lý do như sau:

· Ngân sách đầu tư cho IT thấp: hầu như các tổ chức giáo dục đều có rất ít ngân sách cho việc đầu tư một hệ thống CNTT hoàn chỉnh khi so sánh với các tổ chức thương mại khác. Hầu hết các tổ chức này đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Chính Phủ hoặc do các cá nhân đóng góp vừ đủ để giải quyết những nhu cầu hoạt động thiết yếu. Trong khi đó, việc cung cấp các dịch vụ CNTT tốt sẽ làm cho trường tạo thêm lực hút cho sinh viên. Mặt khác, các trường học sẽ rất thích việc triển khai các ứng dụng trực tuyến do chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh, về lâu dài không cần bố trí nhân sự để quản lý hệ thống, không cần phải đầu tư cho phần cứng, không phải đau đầu về các vấn đề khác như bảo mật thông tin, tính sẵn sàng, tính liên tục và khả năng mở rộng các ứng dụng theo nhu cầu phát sinh.

· Thoải mái hơn trong việc quảng cáo: các tổ chức thương mại thì đương nhiên không thể chấp nhận các ứng dụng có kèm theo quảng cáo. Những quảng cáo này có thể bao gồm các thông tin quảng bá của đối thủ hoặc các thông tin tuyển dụng nhân sự hấp dẫn. Ngược lại, đối với các tổ chức giáo dục, họ sẽ thoải mái hơn trong việc để học viên sau giờ học có thể xem các thông tin quảng cáo này.

· Thân thiện với sinh viên: hầu hết các sinh viên đều quen với các dịch vụ online do đó họ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận những ứng dụng dạng này. Hơn nữa, họ cũng không muốn sử dụng quá nhiều tài khoản e-mail khác nhau.

· Giữ liên lạc với cựu sinh viên: Một trong những lợi ích lớn nhất của Live@edu là sẽ tạo một địa chỉ e-mail cho sinh viên sử dụng cả đời. Các trường thường muốn giữ liên lạc với cựu sinh viên vì lý do vận động quyên góp hoặc những mục đích khác. Tuy nhiên, nếu phải duy trì việc lưu trữ e-mail cho tất cả các sinh viên đã tốt nghiệp sẽ khiến trung tâm lưu trữ nhanh chóng trở thành gánh nặng chi phi không thể kiểm soát được.

Sinh viên họ được gì?

Chương trình Live@edu đưa ra một loạt các dịch vụ có thể cung cấp cho sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh cụ thể như sau:

· Tài khoản hotmail của Windows Live sẽ được tích hợp luôn với domain của trường. Có thể điều chỉnh giao diện riêng tùy theo từng trường một, mỗi một tài khoản truy cập mail có thể có dung lượng lên đến 10GB để lưu trữ (dung lượng này vẫn tiếp tục được tăng lên không ngừng), có chức năng chống spam và virus, lịch làm việc và danh bạ.

· Exchange Lab cho trường. Đây là một hình thức trao đổi thư điện tử bằng Exchange Server giống hệt như trong một doanh nghiệp hiện đại. Chỉ có điều hệ thống Exchange này được Microsoft hosting toàn bộ và trường học khi tham gia không phải tốn thêm bất cứ khoản chi phí nào. Về phía sinh viên, họ có thể duyệt e-mail bằng Microsoft Outlook và thừa hưởng đầy đủ các chức năng chuyên nghiệp như danh mục sổ địa chỉ contact, chia sẻ lịch làm việc…(thông thường các chức năng này chỉ dành cho giáo viên hoặc nhân viên của trường và hệ thống Exchange phải được cài đặt trên máy chủ của trường)

· Office Live Workspace: đây là không gian cho phép sinh viên lưu trữ tài liệu trực tuyến. Hiện nay dung lượng lưu trữ lên đến 25GB dữ liệu, sinh viên có thể chỉnh sửa tài liệu online (các dạng tài liệu như Word, Excel, PowerPoint, OneNote) và dễ dàng phân quyền cho tài liệu như quyền cho phép đọc, ghi cho từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng khác nhau.

· Windows Live Messenger: với cùng 1 tài khoản Hotmail, sinh viên có thể đồng thời dùng để chat với bạn bè.

· Windows Live Spaces: Sinh viên đăng các thông tin như sơ yếu lý lịch, blog, hoặc tạo các thư viện hình ảnh v.v..

· Windows Live SkyDrive: đây là không gian lưu trữ trực tuyến với dung lượng lên đến 25GB

· Ngoài ra còn có Windows Live Expo cho phép sinh viên đăng các thông tin, tạo ra các nhóm thông tin riêng trong cùng 1 trường

· Các dịch vụ của Live@edu sẽ giống hệt các dịch vụ của Windows Live ví dụ như người dùng có thể kiểm tra tài khoản Hotmail của họ bằng Microsoft Outlook với sự hỗ trợ của phần mềm miễn phí Outlook Connector hoăc thông qua điện thoại di động với giao thức POP Client hoặc dùng trình duyệt web.

Các tổ chức giáo dục sẽ được gì?

Microsoft cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ khác nhau để các tổ chức giáo dục triển khai và quản lý Live@edu một cách dễ dàng.

Các phương án quản lý người dùng

Khách hàng có một số phương án để quản lý người dùng trong Live@edu.

Đối với các tổ chức nhỏ ít có sự thay đổi có thể dùng một ứng dụng chạy trên desktop gọi là eduExpress. Ứng dụng này cho phép bạn tạo ra các tài khoản người dùng hàng loạt 1 lần hoặc import thông tin số lượng lớn từ Outlook Contact (.csv) file. Tuy nhiên, eduExpress không thể làm công việc đồng bộ một cách tự động những thay đổi trong directory của trường với các dịch vụ của Live@edu. Có một ứng dụng theo kiểu dòng lệnh (Command line) sẽ giúp người quản trị làm việc linh động hơn. Ví dụ: bạn có thể tạo một tập tin batch cho phép xuất thông tin từ Active Directory hoặc từ LDAP (Lightweight Directory Acces Protocol)

Tuy nhiên, Microsoft cũng cung cấp cho các tổ chức giáo dục bộ công cụ ILM (Indentity Lifecycle Manager. Đây là một ứng dụng server cho phép tự động xuất các thông tin nhận dạng từ hầu hết các Directory (thư mục) thông dụng và đồng bộ với Windows Live ID. ILM đi kèm trong một phiên bản đặc biệt của Windows Live Edition có giá khoảng 8,500 USD và và có chức năng hạn chế. Phiên bản đầy đủ sẽ bổ sung thêm những chức năng quản lý truy cập hữu ích khác ví dụ như khả năng cấp phát hoặc gỡ bỏ quyền truy cập vào các ứng dụng phần mềm riêng của trường hoặc khả năng tạo những nhóm địa chỉ thư điện tử dựa trên cơ sở đăng ký của từng lớp khác nhau. Microsoft cũng công bố rằng việc trang bị phần mềm ILM hoàn chỉnh cùng với những phần mềm cần thiết khác (như Windows Server Enterprise Edition và SQL Server) sẽ tốn chi phí khoảng 85,000 USD nếu mua theo chính sách giá dành riêng cho Academic.

Việc sử dụng ILM hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu phát triển hệ thống quản lý thư điện tử của các tổ chức giáo dục khác nhau và đây cũng có thể là cơ hội cho các đối tác trong việc hỗ trợ các trường Đại học cài đặt và cấu hình cho sản phẩm này.

Hỗ trợ từ Microsoft

Những người quản trị hệ thống Live@edu tại các trường Đại học có thể truy cập hoàn toàn miễn phí các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến 24×7 của Microsoft và có khả năng nâng cấp lên thành cuộc gọi hỗ trợ trực tiếp với Microsoft trong trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, các trường phải tự chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ các sinh viên thuộc trường của mình.

Microsoft chưa có tiết lộ chính thức nào về hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Live@edu (SLA – Service Level Agreement) nhưng họ đã công bố chỉ tiêu cho việc uptime của Live@edu E-mail là 99.9%. Thông tin chi tiết về SLA sẽ được cung cấp cho các khách hàng tiềm năng của Microsoft thông qua dạng thỏa thuận không được tiết lộ thông tin.

Các tùy chọn cho việc quảng cáo

Cũng giống như các chương trình hướng đến người dùng cá nhân khác, Live@edu hiện đang được hỗ trợ bởi các chương trình quảng cáo. Tuy nhiên, các trường học có thể yêu cầu Microsoft không cho xuất hiện các banner quảng cáo của các đối tác thứ ba đến sinh viên của họ. Điều này có nghĩa là sinh viên vẫn sẽ nhìn thấy những mẫu quảng cáo về các sản phẩm và dịch vụ của chính Microsoft trong khi đó những người dùng bình thường khác (bao gồm cả những sinh viên đã tốt nghiệp) sẽ nhìn thấy những mẫu quảng cáo của cả các bên thứ ba.

Trường cũng có thể trả 82.95USD cho một người dùng một năm để ngắt luôn các mẫu quảng cáo của bên thứ ba đến các cựu sinh viên.

Một mặt khác Microsoft cũng đang nghiên cứu về khả năng cho phép trường tự khai thác Live@edu để bán quảng cáo và tạo thêm doanh thu nhưng cho đến nay dịch vụ này vấn chưa được thực hiện.

Định tuyến cho các địa chỉ email

Để đảm bảo là tốc độ hoạt động của Live@edu mail nhanh y như là hệ thống mail được cài đặt trên máy chủ của trường. Microsoft đã áp dụng công nghệ hoàn toàn khác với công nghệ dành cho các tài khoản Hotmail thông thường. Cụ thể là:

· Microsoft có thể đưa tất cả các địa chỉ IP bên trong domain của trường vào danh mục “safe list”. Do đó, khi các giảng viên hoặc nhân viên trong trường khi gửi thư sẽ không bị vô tình đưa vào danh mục ngăn chặn spam của hotmail.

· Một tính năng tùy chọn khác mang tên là intradomain delivery cho phép đảm bảo rằng tất cả các e-mail được gửi qua lại giữa các địa chỉ trong cùng một domain của trường sẽ không bị ngăn chặn bởi bộ lọc spam.

· Trường có thể ngăn chặn người dùng forward e-mail tới những địa chỉ ngoài domain của trường.

· Hotmail có chặn giới hạn 500 thư được gửi ra tối đa trong 1 ngày. Tuy nhiên giới hạn này sẽ bị bỏ qua nếu bạn gửi thư tới các địa chỉ mail trong nội bộ domain của trường.

Các công cụ phát triển cho Windows Live

· Microsoft đã từng bước công bố các hàm API và công cụ để hỗ trợ cho người lập trình tiếp cận với Windows Live Services. Các tổ chức giáo dục có thể tìm thấy những công cụ hữu ích ví dụ như bộ công cụ Live ID Web Authentication SDK có thể cho phép sinh viên dùng Windows Live ID để Single Sign-on vào ứng dụng web của trường (ví dụ như cổng thông tin của trường dành cho sinh viên hoặc các biểu mẫu đăng ký trực tuyến) và các dịch vụ Live@edu khác, hoặc bộ công cụ Virtual Earth SDK cho phép tích hợp bản đồ vị trí của trường vào một trang thông tin dành cho sinh viên.

Tài nguyên tham khảo thêm về Live@edu

Trang chủ của Live@edu: www.liveatedu.com

Exchange Lab: technet.microsoft.com/en-us/exchangehelp/exchangelabsedu/default.aspx

Thông tin Windows Live dành cho người lập trình: dev.live.com

Tổng quan về Windows Live services dành cho các đối tác: partner.live.com/windowslive/offers.aspx

Trang xây dựng cộng đồng Windows Live: partner.live.com/communitybuilder

About dongnguyenthe

Luôn tìm cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Ngoài thời gian làm việc bận rộn, tôi thích dành nhiều thời gian cho bọn trẻ con, giúp chúng học và giải trí, tập luyện thể thao. Về cá nhân, tôi rất coi trọng việc rèn luyện và phát triển các kỹ năng cá nhân, thích đọc sách, viết lách, du lịch mạo hiểm và chụp ảnh.
Bài này đã được đăng trong 16-Live@edu. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to Live@edu và lộ trình phần mềm hướng tới dịch vụ

  1. Anh Vu nói:

    Cảm ơn anh, anh viết thêm bài về SharePoint 14 luôn nhé.

  2. Unknown nói:

    thong tin rat bo it …

Bình luận về bài viết này